Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Nature nhấn mạnh vai trò quan trọng của giấc ngủ trong việc phục hồi sau cơn đau tim.


Kết quả nghiên cứu cho thấy, tim có khả năng "giao tiếp" với não thông qua hệ thống miễn dịch, kích thích cơ thể tìm đến giấc ngủ nhiều hơn như một cách để giảm viêm và thúc đẩy quá trình lành bệnh.


Các nhà nghiên cứu tại Trường Y Icahn thuộc Bệnh viện Mount Sinai (Hoa Kỳ) đã tiến hành thí nghiệm trên chuột bằng cách gây ra các cơn đau tim và sử dụng thiết bị điện não đồ (EEG) không dây được cấy ghép để theo dõi hoạt động não bộ. Kết quả cho thấy sau khi bị đau tim, chuột tăng đáng kể thời lượng ngủ, đặc biệt là giấc ngủ sâu, sóng chậm, kéo dài gấp ba lần so với bình thường và duy trì trong suốt một tuần.


Nghiên cứu sâu hơn phát hiện rằng các tế bào bạch cầu đơn nhân, một loại tế bào miễn dịch, được huy động lên não ngay sau cơn đau tim. Các tế bào này kích hoạt các thần kinh trong vùng đồi thị của não bằng một loại protein có tên là yếu tố hoại tử khối u. Quá trình kích hoạt này diễn ra trong vài giờ sau cơn đau tim và dẫn đến việc chuột tăng cường giấc ngủ. Trong khi đó, nhóm chuột đối chứng không xuất hiện những thay đổi này.


Nghiên cứu cũng phát hiện rằng trong khi ngủ, não gửi tín hiệu đến tim thông qua hệ thần kinh, giúp giảm căng thẳng cho tim, thúc đẩy quá trình phục hồi và giảm viêm sau cơn đau tim. Tuy nhiên, khi các nhà nghiên cứu làm gián đoạn giấc ngủ của một số con chuột sau khi bị đau tim, chúng xuất hiện các phản ứng căng thẳng tim cao hơn và tình trạng viêm tăng lên, dẫn đến quá trình hồi phục chậm hơn so với những con chuột có giấc ngủ không bị gián đoạn.


Để xác thực các kết quả này ở người, nhóm nghiên cứu đã tiến hành một số nghiên cứu lâm sàng. Họ kiểm tra não của các bệnh nhân trong vòng một đến hai ngày sau cơn đau tim và nhận thấy mức độ bạch cầu đơn nhân tăng cao hơn so với những người không mắc bệnh tim, phản ánh tương tự kết quả ở chuột thí nghiệm.


Nhóm cũng phân tích mô hình giấc ngủ của hơn 80 bệnh nhân bị đau tim trong bốn tuần sau biến cố. Những bệnh nhân có giấc ngủ kém trong giai đoạn này cho thấy kết quả phục hồi tim chậm hoặc rất ít cải thiện. Ngược lại, những người ngủ tốt có sự cải thiện đáng kể về chức năng tim.


Những phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo giấc ngủ đủ và chất lượng sau cơn đau tim. Các nhà nghiên cứu khuyến nghị rằng giấc ngủ cần được xem như một yếu tố then chốt trong việc chăm sóc và quản lý lâm sàng cho bệnh nhân đau tim, đặc biệt là ở các đơn vị chăm sóc tích cực nơi giấc ngủ thường bị gián đoạn. Đảm bảo giấc ngủ ngon không chỉ hỗ trợ quá trình phục hồi mà còn có thể cải thiện kết quả lâu dài cho những người sống sót sau cơn đau tim.