Nghiên cứu đột phá về phân khủng long cung cấp cái nhìn mới về lý do tại sao khủng long, trong số tất cả loài bò sát, lại thống trị hành tinh.
Bằng cách phân tích hàng trăm mẫu phân hoá thạch của khủng long và thậm chí một số mảnh ói hóa thạch từ 230 triệu năm trước, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khủng long phát triển mạnh mẽ vì chúng không kén ăn.
Dưới sự dẫn dắt của nhà cổ sinh vật học Qvarnström từ Đại học Uppsala, nghiên cứu này tiết lộ rằng khủng long thời kỳ đầu là những loài ăn cơ hội, tiêu thụ đa dạng thức ăn, bao gồm côn trùng, cá và thực vật. Chính sự linh hoạt trong chế độ ăn uống này đã mang lại cho chúng lợi thế sinh tồn so với các loài bò sát khác cùng thời. Không giống như những loài ăn chọn lọc, khủng long thích nghi tốt với sự thay đổi khí hậu và môi trường sinh thái trong kỷ Trias. Sự thích nghi này cuối cùng đã giúp chúng nổi lên như loài chiếm ưu thế trong giai đoạn chuyển tiếp từ kỷ Trias sang kỷ Jura, khoảng 200 triệu năm trước. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh cần tiếp tục nghiên cứu thêm phân hóa thạch từ các loài khác trong thời kỳ này để khẳng định giả thuyết.
Một nghiên cứu từ Đại học Lund đã phát hiện mức độ đáng báo động của vi khuẩn kháng kháng sinh tại các bệnh viện chiến trường. Phân tích mẫu từ 141 bệnh nhân thương vong, bao gồm cả người lớn bị thương nặng và trẻ sơ sinh mắc viêm phổi, cho thấy 6% vi khuẩn này kháng tất cả các loại kháng sinh được thử nghiệm.
Tác nhân đáng lo ngại nhất là phế trực khuẩn Friedlander, loài vi khuẩn cho thấy khả năng kháng nhiều loại kháng sinh phổ rộng và liên quan đến các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng như nhiễm trùng huyết và viêm phổi. Kết quả giải trình tự gen cho thấy các mầm bệnh này mang nhiều gen kháng thuốc, khiến chúng gần như không thể điều trị bằng các loại thuốc hiện có. Các thí nghiệm trên chuột và ấu trùng côn trùng cũng xác nhận rằng những chủng kháng mạnh nhất cũng là những chủng gây chết người cao nhất. Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng miễn là bệnh nhân còn được điều trị trong các cơ sở không đạt chuẩn, thiếu hệ thống cách ly, sự lây lan của các siêu vi khuẩn này sẽ tiếp diễn, gây ra mối đe dọa toàn cầu lâu dài.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Cornell đã phát triển một robot dưới nước lấy cảm hứng từ sứa, có thể bơi liên tục trong 90 phút chỉ với một lần sạc kéo dài 9 phút. Thiết kế sáng tạo này đánh dấu một bước tiến lớn trong lĩnh vực robot dưới nước không dây. Bằng cách mô phỏng lớp trung bì đàn hồi của sứa, lớp này lưu trữ và giải phóng năng lượng, các nhà khoa học đã tạo ra một robot được vận hành bởi pin mềm, linh hoạt. Các pin này vừa đóng vai trò như nguồn năng lượng, vừa là khoang chứa chất lỏng thủy lực, cung cấp năng lượng cho chuyển động của robot. Ngoài ra, hình dạng bán cầu giống sứa giúp giảm quán tính quay, tăng cường sự linh hoạt. Robot này có khả năng bơi với tốc độ 2 cm/giây, vận hành hiệu quả với mức tiêu thụ năng lượng chỉ 0,04 kWh. Thiết kế nhỏ gọn và thời gian hoạt động kéo dài khiến nó trở thành ứng cử viên tiềm năng cho các ứng dụng thương mại trong thám hiểm và giám sát dưới nước.