A, chiếc bát đơn giản. Chúng ta đều có, đều sử dụng, nhưng có lẽ không mấy khi nghĩ về chúng.


Thế nhưng, qua thời gian, bát đã tiến hóa từ một dụng cụ đơn thuần để đựng súp trở thành công cụ ăn uống đa năng, định hình cách chúng ta ăn, ăn gì, và thậm chí là ăn bao nhiêu.


Đúng vậy, thiết kế của chiếc bát có thể tác động đến trải nghiệm ăn uống của bạn theo những cách bạn chưa từng nghĩ đến!


Lịch sử


Những chiếc bát đã gắn bó với cuộc sống con người hàng ngàn năm, từ những nền văn minh cổ đại. Các nhà khảo cổ đã khai quật được những vật dụng có hình dáng như bát có niên đại từ năm 18,000 trước Công nguyên, được chế tác từ đá, gỗ, và đất sét. Chúng không chỉ là công cụ ăn uống mà còn là đồ chứa đựng và chuẩn bị thực phẩm, ngày càng hoàn thiện về thiết kế và công năng khi các xã hội loài người phát triển.



Từ những chiếc bát trang trí tinh xảo của Hy Lạp cổ đại, thường khắc họa các câu chuyện thần thoại, đến những chiếc bát tối giản và bền chắc được sử dụng ở Trung Quốc xưa, thiết kế của những chiếc bát luôn phản ánh các giá trị văn hóa. Trong thời kỳ Trung Cổ, bát gỗ phổ biến ở châu Âu, trong khi Nhật Bản hoàn thiện nghệ thuật chế tác bát sơn mài, sau này trở thành một phần quan trọng trong các nghi thức trà đạo.


Cơ bản


Hãy bắt đầu với những điều cơ bản. Truyền thống mà nói, bát chủ yếu tập trung vào công năng: chứa chất lỏng, không làm đổ, và có thể trông đẹp mắt một chút trong quá trình sử dụng. Đơn giản, đúng không? Nhưng khi văn hóa ẩm thực phát triển, thiết kế bát cũng tiến bộ theo. Ngày nay, bát không chỉ để đựng súp hay ngũ cốc; chúng còn được dùng cho mọi thứ từ xa lát đến các món bát sinh tố, hay mì ramen (một món mì của Nhật Bản). Và mỗi loại bát đều có mục đích thiết kế riêng. Chẳng hạn, bát sâu với đáy hẹp giúp giữ cho mì ramen ngập trong nước dùng, trong khi bát rộng và nông làm cho xa lát trông đầy đặn và hấp dẫn hơn.


Khắp thế giới


Các nền văn hóa khác nhau đã tiếp cận bát theo những cách riêng. Ở Trung Quốc, bát cơm đóng vai trò trung tâm trong bữa ăn gia đình, biểu tượng cho sự quây quần. Bát ramen của Nhật Bản, được thiết kế để mang lại sự thoải mái và tiện lợi, thường có đáy rộng để đựng mì và nước dùng. Ở Ma Rốc, bát tagine là vật dụng không thể thiếu cho các món hầm nấu chậm, còn ở vùng Địa Trung Hải, bát sứ được sử dụng cho xa lát tươi và các món chấm như hummus (một món ăn Trung Đông và Ả Rập). Mỗi chiếc bát đều kể một câu chuyện về con người, phản ánh truyền thống ẩm thực và lối sống của họ.


Kích thước


Nhưng không chỉ là làm cho món ăn trông đẹp mắt. Hình dáng và kích thước của chiếc bát cũng có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát khẩu phần ăn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng con người có xu hướng ăn ít hơn khi sử dụng những chiếc bát nhỏ và sâu, vì họ cảm thấy bát đã đầy. Ngược lại, những chiếc bát lớn và nông làm cho khẩu phần trông nhỏ hơn, đôi khi khiến bạn ăn nhiều hơn so với dự định. Vì vậy, lần tới khi bạn muốn kiểm soát khẩu phần ăn của mình, có thể chỉ cần chọn đúng loại bát là đủ.


Thời đại mới


Rồi đến sự bùng nổ của "món ăn trong bát". Bạn hẳn đã nghe về những món như Buddha bowl, poke bowl, và bát ngũ cốc những món ăn đang chiếm lĩnh các trang trên nền tảng Instagram và thực đơn của các quán cà phê. Những chiếc bát này mang đến sự kết hợp cân bằng giữa chất đạm, carbohydrate, và rau củ, tất cả trong một chiếc bát đầy phong cách. Không phải ngẫu nhiên mà những món ăn này được phục vụ trong bát - chúng rất phù hợp để xếp lớp và trộn đều, khiến mỗi miếng ăn trở thành sự hòa quyện của nhiều kết cấu và hương vị.


Sự phát triển của chiếc bát phản ánh sự thay đổi trong thói quen ăn uống của chúng ta. Chúng ta đang dần từ bỏ những bữa ăn truyền thống “thịt và hai loại rau” trên đĩa để chuyển sang các lựa chọn ăn uống linh hoạt, gói gọn tất cả trong một. Và chiếc bát đang dẫn đầu xu hướng này, mang đến sự đa dạng, phong cách và tính tiện dụng trong cùng một dụng cụ.


Từ giờ trở đi, hãy dành một chút thời gian để trân trọng thiết kế của chiếc bát bạn dùng. Nó không chỉ đang giữ thức ăn của bạn mà còn đang định hình toàn bộ trải nghiệm ẩm thực của bạn!